– Bố mẹ em làm nghề gì?

– Bố mẹ em…là công chức ạ!…

Nó kết thúc buổi phỏng vấn xin việc trong tâm trạng nặng nề. Chưa bao giờ nó dám nói thật cho người ta biết, bố mẹ nó chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn. Nó sợ khi nói ra, người ta sẽ khinh thường và tiếp theo đó sẽ là ánh nhìn tội nghiệp.

Nó sợ nhục.

Ngay từ khi còn nhỏ, nó đã bị từ nghèo kéo ghì xuống sát đất. Từ lúc ý thức được thế giới xung quanh, nó không dám ngẩng mặt nhìn đời vì tự ti với xuất thân của mình. Nó cảm thấy xấu hổ khi phải nhận mình là một đứa có xuất thân nghèo khó. Nó vẫn thường đặt ra câu hỏi rằng tại sao số phận lại không công bằng với nó như vậy: không tài – không tiền – không sắc.

Trước đây, nó luôn tự cố gắng để không ai có thể khinh thường nó, nhưng đời thường không như mơ…

Nó nhét bộ hồ sơ vào cặp, thở dài.

Điện thoại đổ chuông. Nó nhìn thấy số máy quen thuộc. Chậm rãi nhấc máy.

– Em! Phỏng vấn thế nào rồi? – Khang hỏi.

– Cũng bình thường anh à! – Nó uể oải đáp.

– Yên tâm đi, em giỏi mà, chắc chắn sẽ được nhận thôi! – Giọng Khang đầy tin tưởng.

–  – Nó muốn nói thêm, nhưng rồi không biết phải nói gì. Nén một hơi thở dài, nó im lặng.

– Hủ tiếu gõ nhé! Anh mời! Em về đi, anh chờ em ở cửa phòng trọ! – Khang vui vẻ đề nghị.

Nó đồng ý rồi cúp máy.

Khang và nó quen nhau từ hồi đại học. Hai đứa bằng tuổi nhau. Tình cảm nó dành cho Khang chân thật và nó biết Khang đối với nó cũng như vậy. Nhưng chẳng biết từ khi nào trong nó hiển hiện cái suy nghĩ giữa bọn nó chỉ đơn giản là những kẻ đồng cảnh ngộ nên thông cảm cho nhau chứ cái gọi là tình yêu kia đã không biết vút bay từ khi nào. Có lẽ là từ khi nó nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học và bắt đầu đối mặt với cuộc đời.

Con gái, tuổi 22 có lẽ là tuổi đẹp nhất. Người ta vẫn thắc mắc rằng tại sao nó không chọn một người lớn tuổi hơn, nghề nghiệp ổn định hơn để yêu, như vậy sẽ bớt vất vả trong giai đoạn đầu bỡ ngỡ bước vào đời.

Lúc đấy, nó chỉ cười xuề xòa. Duyên số thì sao có thể lựa chọn. Nếu có thể lựa chọn thì chắc gì đó còn là tình yêu.

Nói vậy, nhưng không có nghĩa là nó không mủi lòng khi nhìn thấy những bạn gái cùng tuổi có người yêu đưa rước bằng xe đẹp, mua cho những đồ hiệu đắt tiền hay dẫn đi ăn trong những nhà hàng sang trọng. Những lúc như vậy, nó giả vờ như không quan tâm nhưng thực ra cái ý thức về sự nghèo hèn lại một lần nữa chèn ép mọi suy nghĩ phấn đấu của nó.

Giá mà…

***

Nó được nhận vào công ty và bắt đầu đi làm.

Thời gian làm việc bận rộn cuốn nó chạy mải miết và khiến nó và Khang xa nhau hơn. Tuy vẫn đi bên nhau nhưng nó biết trong lòng nó dường như đã có chút gì đó không còn như ban đầu.

Thu nhập của nó dần ổn định, nó cũng biết cách chi tiêu cho cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn để ra được chút ít phụ giúp bố mẹ ở quê nuôi các em học hành. Nhưng nó chỉ gửi tiền về mà không muốn về nhà mặc cho bố mẹ gọi điện hỏi han. Có lẽ vì nó sợ phải nhìn thấy cảnh tượng lam lũ khổ cực của bố mẹ và nó lại bị cái suy nghĩ về quá khứ nghèo hèn kia khiến cho không thể ngẩng cao đầu được nữa.

Vẻ ngoan hiền của nó được nhiều anh lớn tuổi hơn trong công ty để mắt. Trong đó có Thành – giám đốc bộ phận của nó.

Nó không dám công khai với mọi người việc nó đã có người yêu. Nó dường như vẫn tìm kiếm cho mình một cơ hội …để đổi đời.

Đêm về, đôi khi nó tự dằn vặt bản thân.

Nó tự thấy mình khốn nạn.

***

Thành lân la nhắn tin gọi điện thoại làm quen, nó cũng vui vẻ chấp nhận sự quan tâm của Thành. Lúc này, Khang dường như nhận ra được sự đổi khác. Ánh mắt Khang đượm buồn.

Tối hôm đó, Thành nhắn tin với nó. Sau một hồi nói chuyện, Thành đề nghị:

[Làm bạn gái anh nhé!]

Trong nó như bùng cháy tâm trạng của một kẻ chiến thắng. Phải chăng cơ hội đổi đời của nó đã đến. Nó quên khuấy đi việc nó vẫn đang là bạn gái của Khang.

Giây phút đó, nó dường như quên mất sự tồn tại của Khang trong cuộc đời nó.

Đang suy nghĩ phải trả lời tin nhắn của Thành thế nào thì điện thoại bỗng dưng reo lên, vẫn là số máy đã quen thuộc từ lâu. Nó hơi chột dạ nhưng cuối cùng cũng nhấc máy.

– Em còn yêu anh không? – Giọng Khang nói trong men say.

– Anh say rồi, anh ngủ đi! – Nó bực dọc.

– Anh yêu em, em biết mà, phải không? – Giọng Khang trầm trầm.

–  Nó yên lặng.

– Em không còn biết nữa rồi… – Khang thở dài rồi cúp máy.

Tiếng tút kéo dài của điện thoại làm nó thoáng sững sờ. Chưa bao giờ nói chuyện điện thoại mà Khang cúp máy trước cả.

Hoang mang.

Nó nhắn tin xin Thành cho nó chút thời gian.

***

Nó và Khang không gọi điện thoại cho nhau và cũng không gặp nhau gần hai tuần rồi. Buổi tối, nó vẫn nhắn tin trò chuyện với Thành. Nhưng khi chỉ còn mình nó với bóng đêm, nó bỗng nhiên tự hỏi bản thân, nó đang làm đúng hay sai?

Trống rỗng.

Đôi khi con người ta hoạt động chỉ để chứng tỏ mình còn đang tồn tại, chứ ít khi họ thực sự sống. Nó đang bị những ngày dài của sự tồn tại kéo đi xa với một chuỗi các lập trình vô vị: sáng tới công ty làm việc, xã giao vui vẻ với đồng nghiệp, tối về trò chuyện với Thành bằng một con người hoàn toàn xa lạ với chính bản thân nó, có khi trưng ra một bộ mặt không phải của nó chỉ để khiến Thành vui vẻ, quan tâm nó.

Nhưng nó chấp nhận điều đó, vì lúc này ít ra nó không còn nghèo và người quan tâm nó cũng không nghèo.

Nó xem đó là hạnh phúc.

Nhưng không hiểu sao, khi Thành nghiêng đầu muốn hôn nó. Nó bất giác quay mặt né tránh.

Có lẽ là nó với Thành quen chưa đủ lâu.

Rồi mọi thứ sẽ ổn, nó tự nhủ.

***

Công ty nhận thêm thực tập sinh.

Sự quan tâm của Thành dành cho nó nhạt dần, thay vào đó là sự quan tâm dành cho cô bé thực tập sinh nón nớt, đáng yêu mới đến.

Nó không hỏi Thành tại sao vì nó vốn nhận thức được lý do. Và một mối quan hệ không tên thường không mang lại cho người ta bất cứ tư cách gì để thắc mắc.

Nó lại một lần nữa thấy những nụ cười, những lời xì xầm sau lưng.

Nó mệt mỏi với thái độ của Thành một thì nó chán chường với sự thương hại, dè bỉu của mọi người trong công ty gấp ngàn lần.

Nó nghĩ nó là ai?

Nghèo mà không biết an phận!

Mọi viễn cảnh viển vông bỗng chốc sụp đổ.

Nó lao vào làm việc như một cỗ máy để đầu óc không phải để ý đến những lời dèm pha của những người xung quanh. Và nó ốm.

Tắt máy, nó ngủ vùi liền mấy ngày sau đó.

***

Tiếng cửa đập cửa rầm rầm. Cuối cùng cũng đánh thức được nó.

Nó uể oải mở cửa và bắt gặp ánh mắt lo lắng của cả Khang và mẹ nó.

Mẹ nó giận lắm, nhưng khi nhìn thấy nó hốc hác hẳn đi. Mẹ xót xa đi nấu cháo cho nó ăn. Mẹ cứ lủi thủi như vậy mà không nói lời nào.

Khang chỉ ngồi ở góc phòng, khi cần thì phụ giúp mẹ nó đôi chút rồi cũng ra về.

Cảm giác tội lỗi lại bủa vây, nó im lặng.

Bốn mét vuông trong căn phòng sao mênh mông và lạnh lẽo đến vậy?

Hai hôm sau, nó không còn mệt nữa và quay trở lại công ty làm việc. Nó cố gắng tránh né mọi ánh mắt và những lời hỏi thăm xã giao từ mọi người. Nó tránh né ánh mắt của Thành.

Tan sở, nó về sớm để chở mẹ sang nhà một người bạn cũ của mẹ.

Chưa bao giờ nó nghĩ mẹ nó lại có một người bạn ở trong một căn nhà sang trọng, tiện nghi như thế này.

Cô Phương – người bạn lâu năm của mẹ đón mẹ bằng một đôi mắt trìu mến và sự nồng hậu nhất có thể.

Sau bữa cơm và những lời hỏi han về công ăn việc làm hiện tại của nó. Cô Phương nói với nó bằng cặp mắt ngưỡng mộ.

– Cháu thật hạnh phúc!

Câu nói bất chợt khiến nó giật mình. Nó băn khoăn mãi cho tới khi ra về.

Nó hỏi mẹ rằng tại sao cô Phương lại cho rằng nó hạnh phúc. Mẹ nó chậm rãi nói:

– Người ta nhìn vào cứ nghĩ cô ấy có tất cả, nhưng thưc ra cô ấy không có gì cả…

Cô Phương là con của ông Sáu đầu làng, để lấy chồng giàu, cô ấy đã từ cả bố mẹ của mình. Nhưng rồi chồng cô cũng không thể mang lại hạnh phúc cho cô một cách toàn vẹn và ly hôn là việc không thể không xảy đến vì cuộc hôn nhân này vốn dĩ không bắt đầu từ tình yêu. Khối tài sản sau khi ly hôn của cô Phương rất lớn và nó cũng tỉ lệ thuận với sự cô đơn và ân hận mà cô ấy phải gánh chịu từng ngày, từng giờ.

Câu chuyện thoáng qua về cuộc đời người bạn của mẹ khiến nó không khỏi suy nghĩ. Nó không biết chính xác bản thân nó đang nghĩ gì. Có lẽ bản thân nó đang tự hỏi sống như thế nào mới là hạnh phúc.

Chở mẹ ra bến xe để về quê, trước khi lên xe, mẹ nói với nó.

– Con cứng cỏi, nhưng đừng chịu đựng mọi thứ một mình, mệt mỏi quá thì bỏ lại tất cả mà về với mẹ!

Nó chỉ biết cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào. Nói lời chào nhanh chóng với mẹ rồi quay xe về trước.

Nó chạy thật nhanh ra cây cầu mà nó vẫn thường cùng Khang hóng gió thời còn sinh viên. Những mảng kí ức hiện lên như những cuốn phim cũ đổ tràn về trong tâm trí nó.

Hình ảnh bố mẹ nó cười đùa cùng chị em nó.

Hình ảnh những cây hoa bố trồng để tặng mẹ nó.

Hình ảnh trời mưa gió cả nhà mang xô chậu đi hứng chỗ dột.

Hình ảnh những đứa em dành nhau ăn lấy ăn để món thịt kho của mẹ…

Những kí vui ấy sao giờ ép cho nước mắt nó chảy tràn.

Những thứ tưởng chừng tầm thường, hèn mọn mà nó muốn quên đi sao giờ đẹp đẽ đến lạ thường.

Nó nhớ nhà, ngôi nhà thực sự của nó chứ không phải bốn vách tường sang trọng không có chút tình người.

Nó nhớ nơi mà nó có thể thực sự được sống chứ không phải tồn tại.

Nó nhận ra, bản thân thời gian qua đã lạc lối mất rồi.

Bi kịch lớn nhất chính là đánh mất đi chính bản thân mình.

Nó để mặc nước mắt rơi xuống và cũng để mặc cơn gió sông thổi đến lau khô đi tất cả.

Nó lấy điện thoại nhắn tin cho mẹ.

[Mẹ, cuối tuần này con sẽ về nhà!]

Tin nhắn trả lời từ mẹ.

[Bố mẹ và các em làm thịt gà chờ con!]

Tại sao nó lại cảm thấy xấu hổ khi bố mẹ nó là những người hiền lành nhất, tốt đẹp nhất và yêu thương nó nhất. Tại sao nó muốn tìm kiếm những thứ xa vời trong khi những điều giản đơn, bình di, chân thành nhất luôn hiện hữu bên cạnh nó.

Nó bỗng nhiên nghĩ đến một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, và hình ảnh của Khang bỗng hiện lên trong suy nghĩ ấy.

Khang chứ không phải bất cứ ai khác.

Nghĩ đến Khang, nó nén một tiếng thở dài.

Khang còn chờ nó không?

Nó lưỡng lự, nhưng rồi trong nó có một sự thúc giục mãnh liệt níu giữ lấy hạnh phúc cho chính mình. Nó lấy điện thoại ra và bấm một số quen thuộc mà nó đã ghi nhớ từ lâu lắm.

Tiếng chuông reo mãi và cuối cùng cũng có tiếng nhấc máy nhưng không có ai trả lời.

– Hủ tiếu gõ nhé, em mời! – Nó hít sâu một hơi để nói, nó biết Khang đang nghe máy.

, đầu dây bên kia vẫn im lặng.

 Thêm một ly nước mía nữa nhé, em mời tiếp! – Giọng nó nghèn nghẹn.

– Có chuyện gì không em? Anh… ­– Giọng Khang như muốn từ chối.

­- Em sai rồi…­!!! – Nó nức nở.

– Em đang ở đâu? Làm sao vậy? Đau chỗ nào à? – Khang hốt hoảng khi nghe tiếng nó khóc.

– Em đau lắm, anh đón em đi! ­– Nó con nít, vừa khóc vừa mếu nói vào điện thoại.

– Chờ anh!

***

Khang tìm thấy nó một cách nhanh chóng.

Ngồi sau xe Khang, nhìn những cánh chim trời bay lang thang trong buổi chiều sắp tắt nắng. Tựa cằm mình lên bờ vai quen thuộc.

À, thì ra sống đơn giản là thế này.

– Cuối tuần, anh về nhà với em không?

Bình yên.

error: Content is protected !!